Có nhiều tác nhân khiến da và đế giày trắng bị xước đen như ma sát với môi trường bên ngoài, bụi bẩn, đất cát, dầu mỡ,… Sử dụng những nguyên liệu tự nhiên như baking soda, nước chanh sẽ giúp làm trắng và sáng da giày trắng một cách hiệu quả. Những vật dụng đời thường khác như cục tẩy cao su, nước tẩy sơn móng tay, kem đánh răng,… cũng có tác dụng làm mờ rõ rệt các vết xước đen trên giày da trắng.
Nguyên nhân gây ra các vết xước đen trên giày
Ma sát là một trong những nguyên nhân dễ khiến đôi giày trắng bị xước đen. Khi đi giày, đế giày cọ xát vào các bề mặt khác nhau như vỉa hè, đường nhựa, hoặc sàn nhà sẽ khiến lớp sơn trắng trên đế giày bị trầy xước và đen.
Yếu tố tiếp theo gây ra các vết đen trên da giày trắng chính là bụi bẩn và đất cát. Đi giày trắng đến những nơi có nhiều bụi bẩn như công trường xây dựng, đường đất đá nhiều khả năng sẽ gây ra những vết trầy xước đen trên bề mặt đôi giày.
Ngoài ra, một số hóa chất như dầu mỡ, axit, dung dịch tẩy rửa có khả năng làm hỏng lớp sơn trắng trên giày và khiến chúng bị đen. Đồng thời, nếu để giày ở nơi có ánh nắng trực tiếp hoặc ẩm ướt, lớp sơn trắng trên đế giày dễ bị phai màu và bong tróc.
Cách xử lý vết xước trên giày da trắng đơn giản sau 5 phút
Trước khi làm mới da giày trắng bị xước đen, cần xác định rõ chất liệu và mức độ trầy xước của đôi giày để lựa chọn đúng hình thức vệ sinh, đảm bảo an toàn. Mỗi loại da thật, da lộn, giày vải, da tổng hợp sẽ phù hợp những những nguyên liệu, chất làm sạch khác nhau.
Loại bỏ vết trầy xước đen trên giày da trắng bằng baking soda
Sử dụng nguyên liệu tự nhiên baking soda là cách khắc phục giày trắng bị xước đen một cách an toàn nhưng vẫn mang lại hiệu quả tốt với những vết xước nhỏ, nông. Baking soda có dạng hạt mịn và tính kiềm nhẹ, có tác dụng trung hòa axit trong vết bẩn, giúp da giày mềm mại hơn, mài mòn nhẹ ở lớp bề mặt để loại bỏ cặn bẩn bám trên da giày.
– Bước 1: Trộn 1 – 2 thìa cà phê bột baking soda vào trong một lượng nước ấm khoảng 10 – 20ml để tạo thành hỗn hợp sệt.
– Bước 2: Nhúng khăn mềm vào hỗn hợp mới pha và vắt bớt nước thừa. Sau đó chà nhẹ khăn ẩm lên những vùng có vết trầy xước theo chuyển động tròn, giúp mài mòn vết đen.
– Bước 3: Lau trong khoảng 5 – 10 phút đến khi vết trầy xước trên giày da trắng mờ hoàn toàn, tiếp đến dùng khăn ẩm lau sạch baking soda còn sót lại.
– Bước 4: Thoa kem dưỡng da dành cho giày trắng để bảo vệ bề mặt giày và làm bóng da.
Giày da trắng không còn vết xước nhờ cục tẩy cao su
Hãy sử dụng những cục tẩy màu trắng để tạo nên sự ma sát, giúp loại bỏ vết xước đen trên giày da, ít để lại vụn hoặc gây lem phẩm màu lên da giày trắng. Khuyến khích sử dụng cách này cho những đôi giày có chất liệu nhựa vinyl và da lộn.
– Bước 1: Đảm bảo chải sạch bụi bẩn, tạp chất trên bề mặt da giày bằng bàn chải lông mềm trước khi bắt đầu dùng tẩy.
– Bước 2: Dùng chuyển động nhỏ, nhẹ nhàng miết và chà cục tẩy lên da giày khoảng 3 – 4 lần để làm sạch đi các vết trầy xước.
– Bước 3: Dừng lại để kiểm tra da giày, trước khi tiếp tục tẩy thêm khoảng 2 – 3 lần cho đến khi vết đen mờ hẳn.
– Bước 4: Dùng khăn mềm và khô để lau đi những vụn tẩy còn sót lại trên đôi giày da trắng.
Dùng nước tẩy sơn móng tay làm mờ vết xước đen
Phương pháp này đặc biệt phù hợp với giày da hoặc giày thể thao. Acetone có trong nước tẩy sơn móng tay có tác dụng hòa tan, làm mờ và loại bỏ các chất bẩn, vết đen bám trên da giày. Ngoài ra, acetone còn có tác dụng tẩy trắng nhẹ, làm sáng màu da xung quanh vết xước, khiến vết xước đen dần mờ rõ rệt.
– Bước 1: Thử thoa khoảng 1 – 2 giọt nước tẩy sơn móng tay lên một khu vực nhỏ trên giày da để thử nghiệm và đảm bảo nước tẩy phù hợp với da giày.
– Bước 2: Nhúng tăm bông sạch vào trong lọ nước tẩy sơn móng tay, sau đó chấm nhẹ tăm bông ẩm lên vết xước đen và chà theo chuyển động tròn đến khi vết đen sạch hẳn.
– Bước 3: Dùng khăn mềm lau sạch acetone trên da giày. Đợi giày da trắng khô tự nhiên trong khoảng 30 – 45 phút, sau đó thoa kem dưỡng da dành cho giày da trắng để bảo vệ và dưỡng ẩm bề mặt đôi giày.
Lưu ý, nước tẩy sơn móng tay có khả năng gây ảnh hưởng đến lớp bảo vệ tự nhiên trên da giày, dễ khiến da giày bị khô và bong nứt. Do đó, chỉ áp dụng cách này khi thực sự cần thiết để làm sạch vết xước đen trên giày da trắng và cần dưỡng da giày ngay sau khi thoa acetone.
Cách loại bỏ vết trầy xước trên đế cao su trắng
Trước khi khắc phục giày trắng bị xước đen ở vùng đế, hãy thử trên một khu vực nhỏ và khuất của đế giày để đảm bảo không làm hỏng. Ngoài ra, hãy làm sạch phần đế giày định kỳ hàng tháng nếu thường xuyên sử dụng để ngăn ngừa vết xước và vết bẩn bám dính lâu ngày.
Dùng nước chanh để loại bỏ trầy xước ở đế giày trắng
Nước chanh có tính khử trùng tự nhiên, giúp loại bỏ vi trùng, vi khuẩn, nấm mốc bám trên đế của đôi giày. Trong nước chanh chứa một loại axit tự nhiên là axit citric, có khả năng hòa tan một số hợp chất hữu cơ, bao gồm cả các chất bẩn bám trên đế giày cao su trắng. Khi thoa nước chanh lên vết trầy xước, axit citric sẽ giúp làm mềm và loại bỏ các chất bẩn. Không chỉ vậy, axit citric còn có khả năng tẩy trắng nhẹ, làm sáng màu phần đế cao su, khiến vết xước trở nên mờ đi và khó phát hiện ra.
– Bước 1: Cắt đôi quả chanh tươi, bỏ hạt, vắt ra một bát nhỏ lấy nước cốt.
– Bước 2: Nhúng khăn mềm vào bát để thấm nước chanh. Vắt bớt nước sao cho giữ khăn ẩm nhẹ, sau đó lau nhẹ lên vết trầy xước theo chuyển động thẳng, lặp lại trong 3 – 4 lần.
– Bước 3: Chờ khoảng 15 phút để nước chanh kịp ngấm vào vùng đế giày bị xước đen. Tiếp đến, lấy khăn mềm và ẩm nhẹ để lau nước chanh còn thừa trên đế giày.
– Bước 4: Nếu vết trầy xước chưa được loại bỏ, hãy làm lại các bước trên cho đến khi vết xước đen ở đế giày cao su được loại bỏ.
Làm sạch vết xước đen của đế giày cao su nhờ kem đánh răng
Cách này chỉ phù hợp để làm sạch phần đế giày trắng bị xước đen ở vùng nhỏ và không quá sâu. Kem đánh răng gồm các chất mài mòn nhẹ như silica, canxi cacbonat, có khả năng loại bỏ bụi bẩn, mảng bám và các vết đen bám trên đế giày cao su. Hãy dùng loại kem đánh răng có màu trắng, không chứa chất tạo màu để tránh gây ố vàng đế giày.
– Bước 1: Nhúng ướt phần đế giày cao su bằng nước ấm.
– Bước 2: Bóp một lượng kem đánh răng nhỏ bằng 2 hạt đậu lên một chiếc bàn chải đánh răng cũ. Chà bàn chải đánh răng lên vùng xước đen ở đế giày theo chuyển động thẳng trong 3 – 5 phút đến khi vết xước ở đế giày mờ hẳn.
– Bước 3: Rửa sạch đế giày bằng nước ấm và lau khô ngay bằng khăn mềm.
Dùng bút sơn vết xước để khôi phục đế giày cao su trắng
Tô bút chứa sơn hoặc mực tương tự màu sắc của đế giày sẽ lấp đầy vết xước và làm cho vết đen, ố vàng mờ đi rõ ràng. Có nhiều loại bút sơn với màu sắc khác nhau, phù hợp với nhiều loại đế giày. Một số loại bút sơn còn có khả năng chống thấm nước, bảo vệ đế giày khỏi bị ngấm nước và bụi bẩn bám dính.
– Bước 1: Lấy bàn chải cũ để làm sạch đế giày bằng nước và xà phòng, giúp loại bỏ bụi bẩn, tạp chất và lau khô lại đế cao su bằng khăn mềm.
– Bước 2: Dùng bút tô một lớp sơn đầu tiên lên vết xước đen và để khô tự nhiên trong khoảng 30 phút.
– Bước 3: Sau khi khô lớp sơn đầu tiên, hãy tô thêm lớp thứ hai. Để giày khô tự nhiên càng lâu càng tốt bởi sẽ khiến lớp sơn trắng bám dính chắc hơn.
Các cách làm mới giày trắng bị xước đen bằng chanh, cục tẩy cao su, kem đánh răng,… chỉ có hiệu quả làm mờ tạm thời những vùng xước nhỏ, nông và còn mới. Nếu giày trắng bị xước sâu ở phần da hoặc đế cao su, hãy mang giày đến những cơ sở sửa chữa giày uy tín để đôi giày trắng được xử lý vết xước một cách hiệu quả và an toàn.